Tăng năng lực thông quan hàng hóa từ dịch vụ logistics

Ở vị trí trung tâm, nằm giữa khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, đồng thời là trung tâm của các tỉnh biên giới Việt Nam với Vân Nam (Trung Quốc), Lào Cai có tiềm năng, lợi thế để đầu tư và phát triển dịch vụ logistics.



Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tranh thủ thời cơ, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển Khu kinh tế tỉnh Lào Cai trở thành cửa ngõ giao thương năng động, từng bước hình thành điểm trung chuyển hàng hoá giữa Việt Nam với các nước ASEAN thông qua tuyến đường cao tốc Côn Minh (Trung Quốc) và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam). Để hiện thực hóa được mục tiêu này, việc phát triển dịch vụ logistics nhằm tăng năng lực thông quan hàng hóa là một trong những nhiệm vụ được tỉnh Lào Cai ưu tiên thực hiện. 


Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, tiềm năng và dư địa phát triển dịch vụ logistics ở Lào Cai là rất lớn. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics tại Lào Cai còn hạn chế, đòi hỏi cần được quan tâm hơn trong đầu tư công nghệ, phát triển hạ tầng, liên kết, tạo thành mạng lưới doanh nghiệp logistics. Tỉnh Lào Cai đang tích cực thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có quy mô lớn nhằm phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, đưa Lào Cai trở thành đầu mối logistics quan trọng trong nước và khu vực. 

 

Theo định hướng phát triển, tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên phát triển mạnh dịch vụ logistics nhằm thúc đẩy các hoạt động biên mậu, với mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 10 tỷ USD (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025) và nâng cấp Cửa khẩu phụ Bản Vược và Cửa khẩu Mường Khương thành điểm thông quan của Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động logistics là một trong những giải pháp quan trọng.


Hiện nay, do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, tiềm lực doanh nghiệp còn yếu nên dịch vụ logistics trên địa bàn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên địa bàn có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế. Các loại hình dịch vụ được cung cấp chủ yếu mang tính đơn lẻ, truyền thống như dịch vụ vận tải, giao nhận, kho bãi... và chưa phổ biến những dịch vụ mang lại giá trị gia tăng cao.


Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa có doanh nghiệp có khả năng cung cấp đầy đủ và trọn gói các loại hình dịch vụ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Bởi vậy, thời gian qua địa phương này đã tập trung đẩy mạnh các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. 


Ông Đặng Quyết Chiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics Kim Thành cho biết thêm, khó khăn lớn nhất là tỉnh Lào Cai chưa có quy hoạch phát triển ngành logistics cả về tổng thể hạ tầng, chiến lược phát triển và chính sách quản lý. Do vậy, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn như không thể đầu tư hoàn thiện dự án, thường xuyên phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư kinh doanh. Trong khi đó, các quy định của tỉnh Lào Cai đối với khu kinh tế cửa khẩu chưa rõ ràng, các đơn vị quản lý nhà nước (thuế, ban quản lý cửa khẩu) còn lẫn lộn giữa doanh thu dịch vụ doanh nghiệp và phí của Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổ chức dịch vụ và thu phí dịch vụ. 


Theo định hướng phát triển, dịch vụ logistics tại Lào Cai thời gian tới sẽ tập trung vào mục tiêu hình thành các trung tâm logistics hạng I, hạng II. Đa dạng hóa các dịch vụ logistics, nâng cao hiệu quả các dịch vụ, đáp ứng cơ bản nhu cầu về các dịch vụ logistics như vận tải, kho bãi, bốc xếp…Tăng cường kết nối với mạng lưới logistics của cả nước, khu vực các nước ASEAN và Trung Quốc. Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics nhằm từng bước giảm chi phí logistics. Khuyến khích, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics có quy mô lớn vào địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, có nguồn nhân lực chuyên nghiệp.


Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là đưa ngành dịch vụ logistics của tỉnh Lào Cai phát triển có trình độ khá của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics như hệ thống kho hàng hóa và các dịch vụ kho theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm logistics lớn trong và ngoài nước. Xây dựng hệ thống thông tin đối với hệ thống logistics của tỉnh Lào Cai kết nối và chia sẻ dữ liệu với các đối tác, hệ thống logistics trong cả nước.


Ông Hà Đức Thuận, Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai cho biết, với mục tiêu đưa khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, tỉnh Lào Cai đang bắt tay vào việc triển khai đề án mở rộng khu kinh tế cửa khẩu với quy mô 16 nghìn ha.


Mục tiêu của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2021-2025 là hình thành một không gian kinh tế tổng hợp, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động có vai trò hạt nhân kinh tế, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Từng bước đưa tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, hợp tác giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc.