Nâng chất cho Hiệp hội Logistics Hải Phòng

Đó là nhấn mạnh của ông Trần Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng tại chương trình đề xuất các biện pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp logistics trên địa bàn TP Hải Phòng.


Hiệp hội cần thoát khỏi “ao làng”


Theo ông Trần Tiến Dũng, Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) còn non trẻ, chưa biết tìm cách nào để đem lại lợi ích cho hội viên, chưa biết cách nào cùng nhau làm, trong khi nhiệm vụ được trao gửi nặng nề. Bên cạnh đó các doanh nghiệp logistics ở Hải Phòng là nhỏ và vừa, các chi nhánh của các công ty lớn nên việc triển khai các ý tưởng lớn vô cùng khó.

Hiệp hội Logistics Hải Phòng nghe ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn


Cùng quan điểm với Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục XNK Bộ Công thương cho rằng, hội viên HPLA hiện có 60 hội viên, hiệp hội cần phải xác định rõ định hướng, nhiệm vụ, tập hợp lực lượng, làm cho các hội viên tin tưởng, từ đó họ sẽ tích cực tham gia. Hiệp hội HPLA là một hiệp hội lớn, không chỉ nòng cốt của Hải Phòng mà còn phát triển tại các tỉnh lân cận. Đa số các doanh nghiệp logistics Hải Phòng là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, Hiệp hội phải có kế hoạch để giúp đỡ hội viên phát triển để doanh nghiệp lớn hơn, mạnh hơn.


Để các doanh nghiệp vươn ra các tỉnh thành và nước khác. HPLA cần phải giúp hội viên khai mở, kết nối thị trường. Hoạt động của HPLA cần phải vươn tầm, thoát khỏi “ao làng”. Hiệp hội cần phải nhìn vào các chỉ số cụ thể. Trong lĩnh vực logistics cần phải có chỉ số về logistics cấp tỉnh để phấn đấu, cải thiện hiện trạng logistics của thành phố. Áp vào chỉ số để lập ra mục tiêu phấn đấu. Kiến nghị sẽ hiệu quả hơn  – Phó Cục trưởng nhấn mạnh.


Được biết, đến nay HPLA đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, trong đó kiện toàn ban chấp hành gồm Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch, kiện toàn các ban chức năng. Hoàn tất việc đặt văn phòng tại 484 Lạch Tray, phường Kênh Dương, quận Lên Chân, Hải Phòng. Hoàn tất việc xây dựng 2 kênh thông tin chính thức của hiệp hội. Thực hiện 2 chuyến khảo sát địa điểm xây dựng trung tâm logistics tại huyện An Lão và huyện Kiến Thuỵ. Trong các chuyến khảo sát, HPLA đã làm việc với lãnh đạo địa phương, thảo luận về thực trạng kinh tế - xã hội, kết nối giao thông vận tải cũng như quỹ đất phục vụ hoạt động logistics tại địa phương và tiến hành khảo sát thực địa.


Về phía thành phố, ông Hoàng Minh Cường – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho rằng, hiệp hội cần có vai trờ đánh giá, xếp hạng các cảng. Việc đánh giá, xếp hạng sẽ là sức ép cho các cảng phát triển, tạo nên sức ép cạnh tranh, đồng thời cải thiện thị trường.


Theo báo đánh giá hiện trạng và đề xuất mô hình phát triển kinh tế thành phố giai đoạn năm 2030 của nhóm chuyên gia kinh tế Trường Chính sách công và Quản lý  Fulbright phân tích, trong phát triển logistics, Hải Phòng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cũng như cạnh tranh để hướng tới mục tiêu trên.


Là cửa ngõ ra biển của cả miền Bắc, với đầy đủ 5 loại hình giao thông, Hải Phòng có những lợi thế rất lớn. Nhưng những năm gần đây, việc hình thành, phát triển các cảng cạn ICD và trung tâm logictics ở khu vực xa cảng biển như Hà Nội và các tỉnh lân cận phần nào suy giảm lợi thế trên.


Các chuyên gia cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, thành phố đứng trước nguy cơ trở thành nơi đơn thuần thực hiện các hoạt động đơn giản trong xuất nhập khẩu như vận tải và bốc dỡ hàng hoá. Hoạt động này gây ra nhiều tác động tiêu cực về môi trường, giao thông và đô thị cho thành phố, nhưng không tạo ra nhiều đóng góp vào ngân sách, tác động lan toả hạn chế. Do đó, trong chiến lược phát triển logistics, Hải Phòng nên hướng tới các hoạt động có giá trị gia tăng, bên cạnh loại hình truyền thống và logistics sau cảng.

Đại diện trường Đại học Hàng Hải Việt Nam kiến nghị với Hiệp hội.


Theo ông Lê Mạnh Cương -  Giám đốc Công ty CP Logistics và Khai thác cảng LOKAPORT, Hải Phòng có đủ 5 phương thức phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này phát triển thủy nội địa còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn là vận tải đường bộ. Trong khi đó, vận tải thủy còn rất nhiều tiềm năng, đã mang đến nhiều lợi thế như giảm tải giao thông đường bộ, giảm thải khí thải carbon gây ô nhiễm môi trường, giảm tải tai nạn giao thông đường bộ, giảm chi phí so với vận tải đường bộ 20-25%.


Do đó, ông Cương đề nghị, TP Hải Phòng có ý kiến chỉ đạo, làm việc với hệ thống cảng, làm việc với thủy nội địa- sà lan. Các sà lan thường phải chờ đợi, đợi tàu lớn vào mới được vào, không được cập cầu ngay. Đồng thời, đề nghị thành phố xem xét tạo điều kiện quy hoạch các bến nhỏ mặt nước, chờ xếp sang cảng để xuất thẳng đi. Bên cạnh đó, đề nghị TP Hải Phòng chỉ đạo các cảng cho phép doanh nghiệp hạ hàng thẳng vào cảng. Xin cơ chế đặc thù đối với phí cơ sở hạ tầng cho việc vận chuyển container bằng sà lan, cụ thể, mức thu 50% so với quy định hiện hành; giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp với hàng thủy nội địa…


Ông Vũ Hồ Ninh – Bee Logistics cho rằng, nhiều đơn vị đã có phần mềm riêng để tích hợp sử dụng công nghệ hai chiều (ung cấp dịch vụ vận chuyển cho các sàn giao dịch điện tử), tuy nhiên khá ít. Do đó, cần có sự tích hợp các phần mềm công nghệ điện tử. Đề nghị TP Hải Phòng xây dựng sàn giao dịch trực tuyến - đơn vị đảm bảo được uy tín, sự thu hút các công ty logistics sử dụng chung, tận dụng hiệu quả hơn hiệu suất khai thác xe.


Bên cạnh đó, ông Hồ Ninh còn cho rằng các vấn đề liên quan đến cấp C/O vẫn còn nhiều bất cập. Các form đa phần vẫn xin bản giấy, hồ sơ nhiều… thời gian xem và xét duyệt hồ sơ thường là 8 tiếng. Nếu doanh nghiệp mới mà đăng ký hồ sơ tại Sở Công thương thường áp dụng kiểm xưởng 100% và thời gian sắp xếp kiểm xưởng cũng phụ thuộc vào lãnh đạo sở. Doanh nghiệp nếu có lô hàng cần xin CO hàng xuất mà chờ đợi kiểm xưởng xong mới được cấp thì muộn.


Ông Trịnh Doãn Hoàng Giang – Đại diện Tân Cảng thì cho rằng, cần liên kết với các tỉnh để nắm được số liệu về lượng hàng dự kiến của các tỉnh thành để xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp. Hải Phòng phải xúc tiến đầu tư với các tỉnh, thành để lắng nghe mong muốn của họ với Hải Phòng.